Sotrans – Tạo sự khác biệt.

mr_hienCông ty Cổ phần Kho Vận Miền Nam – SOTRANS là một trong các nhà giao nhận hàng đầu tại Việt Nam. Nhân dịp 32 năm thành lậpCông ty, tạp chí VietnamShipper đã có buổi phỏng vấn ông Trần Huy Hiền, Phó Tổng Giám Đốc SOTRANS.


PV: Xin chào ông, trước hết, xin được chúc mừng ông nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày thành lập công ty Cổ phần Kho Vận Miền Nam – SOTRANS. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có thể chia sẻ với bạn đọc những thành tựu mà SOTRANS đã đạt được.


Ông Trần Huy Hiền: Có lẽ thành tựu lớn nhất của chúng tôi là đã xây dựng và phát triển được thương hiệu SOTRANS trong suốt quá trình 32 năm với nhiều biến cố thăng trầm. Chúng tôi tự hào về thương hiệu của mình, tự hào là một doanh nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ logistics – một loại hình dịch vụ tương đối phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.


PV: Thưa ông, SOTRANS được đánh giá là một trong những công ty giao nhận hàng đầu tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, theo ông thì những yếu tố nào giúp SOTRANS có được những thành quả đó?


Ông Trần Huy Hiền: Dịch vụ giao nhận đúng là một trong những thế mạnh nổi bật của SOTRANS. Đây là hoạt động truyền thống của Công ty, đã được tổ chức thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập, nhưng nguyên nhân của vị thế hàng đầu trong ngành không phải từ “thâm niên “ hoạt động mà vì chúng tôi đã tiến hành chiến lược “tailor services”. Theo đó, mỗi khách hàng đều được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng từng nhu cầu dù là nhỏ nhất và tìm phương pháp đáp ứng những nhu cầu này. Vì vậy dịch vụ của chúng tôi vừa đảm bảo giữ vững quy trình chuẩn vừa là riêng biệt cho từng khách hàng. Bạn giữ được khách hàng nếu sự khác biệt của bạn đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, với mức chi phí không quá cao so với thị trường.


PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường giao nhận hiện nay? Theo ông yếu tố nào tác động mạnh mẽ tới thị trường này?


Ông Trần Huy Hiền: Theo tôi, thị trường giao nhận nói riêng cũng như thị trường logistics Việt Nam nói chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, không hoàn toàn tuân theo quy luật cung cầu. Điều này có thể được l‎ giải vì trong số hơn 800 doanh nghiệp trong ngành logistics thì có đến 90% là doanh nghiệp nhỏ, không có chiến lược cạnh tranh cụ thể mà chỉ kinh doanh theo kiểu đại trà, đa phần đều dùng giảm giá để lấy khách hàng mà chưa thực sự quan tâm đấn chất lượng dịch vụ, uy tín của thương hiệu trên thị trường. Tình hình này cũng giải thích hiện tượng doanh nghiệp có sản lượng phục vụ khách hàng cao chưa chắc đã thu về lợi nhuận cao, và khách hàng cũng không hưởng được nhiều lợi ích từ các dịch vụ giá rẻ. Đây có thể xem là một nguy cơ tiềm ẩn đối với ngành logistics.


PV: Theo ông ngành giao nhận tương lai có gì thay đổi lớn?


Ông Trần Huy Hiền: Xu hướng toàn cầu cho thấy các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề sẽ phát triển đủ đến một mức mà khi đó họ sẽ thấy cần thiết phải thuê ngoài (outsourcing) các dịch vụ logistics có liên quan. Khi đó, họ sẽ tập trung các nguồn lực của mình cho sản xuất kinh doanh cốt lõi và sử dụng dịch vụ logistics từ những nhà cung cấp chuyên nghiệp bên ngoài. Điều này giúp các doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và nhân lực. Tôi tin chắc thị trường Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng này. Đây là cơ hội lớn cho SOTRANS và các đơn vị khác trong ngành. Một điểm cần lưu  ý nữa là việc khai quan điện tử sắp triển khai đồng loạt tại nước ta cũng sẽ làm thay đổi đáng kể đến tập quán của nghiệp vụ này, tôi hy vọng vào những ảnh hưởng tích cực từ việc ứng dụng công nghệ.


PV: Đã gần một năm sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Theo ông, sự kiện này mang lại những cơ hội và thách thức nào cho SOTRANS nói riêng, cũng như cho ngành dịch vụ logistics nói chung?


Ông Trần Huy Hiền: Hiện nay thì chưa nhiều, nhưng theo dự đoán của tôi, chỉ trong vòng vài năm nữa sẽ có rất nhiều đơn vị logistics của nước ngoài tham gia trực tiếp vào hoạt động của ngành. Cạnh tranh là tất yếu, và kết quả cạnh tranh là việc người thắng kẻ thua. SOTRANS cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác trong ngành nếu không muốn thua trong sân chơi “mở” này thì thách thức trước tiên phải xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cụ thể. Nếu không có chiến lược và vẫn kinh doanh theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng bế tắc và tự tan rã trước những sức ép cạnh tranh.

Còn cơ hội? Khá nhiều cơ hội sẽ mở ra trước mắt, nhất là khả năng mở rộng mạng lưới đại l‎trên tầm toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tôi nhận thấy không nhất thiết phải là đơn vị dẫn đầu trong ngành mới thành công, trên thực tế có rất nhiều công ty không lớn mà vẫn có kết quả thật thuyết phục. Vấn đề là tự tìm kiếm cơ hội và phát triển chiến lược kinh doanh để tận dụng tối đa cơ hội đó.


PV: Để phát triển hơn nữa, kế hoạch của SOTRANS như thế nào trong thời gian tới?


Ông Trần Huy Hiền: Chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược tập trung, bên cạnh đó là tìm kiếm mọi cơ hội để thực hiện khác biệt hóa. Là ngành dịch vụ chúng tôi hiểu rằng mọi “động tác” của chúng tôi thực hiện đều có thể thực hiện lại bởi các đối thủ cạnh tranh. Khác biệt hóa của chúng tôi còn ở con người và văn hóa doanh nghiệp. Đây là điều các đối thủ sẽ khó khăn hơn nếu muốn làm theo. Chúng tôi đầu tư mạnh cho các thành viên của mình và tạo mọi điều kiện để giữ gìn và phát triển đội ngũ này, bởi vì chính họ sẽ sáng tạo ra các lợi thế cho SOTRANS trong cuộc cạnh tranh đầy khó khăn sắp tới.


PV: Xin cám ơn ông. Chúc cho SOTRANS luôn thành công hơn.

 

Theo Vietnamshipper.